Linh tinh tản mạn về The Voice

Lâu lắm rồi tui không viết những bài tổng hợp như vầy vì mỗi lần viết phải tổng hợp rất nhiều thông tin và kể cả kinh nghiệm tích góp ở lĩnh vực khác để biện chứng cho những thứ mình sắp sửa gõ tành tạch ra đây. Một lần viết bài tổng hợp rất hao công sức và thực tế là đọc giả thích mấy cái lộ hàng cởi bỏ cướp giết hiếp hơn đọc những bài mang tính chi tiết trong lĩnh vực giải trí như thế này. Hum nay nhân dịp… mất ngủ ngồi viết ra chơi.

Ông lớn !

Trong làng giải trí có 3 ông lớn hiện nay sản xuất chương trình lớn có format mua từ nước ngoài là Đông Tây – Cát Tiên Sa – BHD. Dĩ nhiên còn các ông nhỏ nhưng tui ko kể ở đây. Mỗi nhà một xu hướng khác nhau nhưng giới báo chí đều biết rõ cách thức làm việc của từng nơi. Mỗi nơi đều có lợi thế riêng. Ví dụ như Đông Tây promotion ngoài chuyện sản xuất chương trình thì còn có dây nhợ bên quảng cáo nên việc rải đầy billboard pano chương trình đầy đường là một lợi thế rất lớn. Bên BHD ko chỉ sản xuất chương trình truyền hình mà còn có 1 nùi các sản phẩm khác như phim chẳng hạn, phim điện ảnh và có cả hệ thống rạp. Cát Tiên Sa có thế mạnh đầu ra cho các cuộc thi, thời lượng phủ sóng, quan hệ với các sao và hệ sinh thái cực mạnh cho đủ mọi cuộc thi từ ca hát cho người không chuyên, các giải thưởng cho giới chuyên nghiệp, gameshow cho người nổi tiếng,   giới mẫu… Nhưng ở đây tui sẽ phân loại như sau : Đông Tây – tỉ lệ sạch và phụ thuộc khán giả lên dến 99%, có lòng tin bất diệt vào sự công tâm của khán giả, đôi khi điều này không tốt vì thiếu chất kích thích thị hiếu. Cát Tiên Sa – có can thiệp ở mức độ định hướng để giữ khán giả và đánh đúng thị hiếu, căn bản là biết tận dụng đẩy mạnh các yếu tố tâm lí của truyền thông, nhưng ở mức độ có thể chấp nhận được. BHD – lợi dụng quá đà những bài học về truyền thông cơ hội để “kích” điện, tạo độ giật cho các chương trình thực tế, tuy nhiên đôi khi sự bơm thổi hay áp dụng những mặt trái quá mức sẽ tạo nên sự lố bịch.

Quay lại với The voice. Tại sao tui lại cần phải nói đến các cty trên. Tui có phép thử khi chương trình mua format đình đám của 3 cty này chạy cùng lúc. So you think you can dance với niềm tin bất diệt vào khán giả và hữu xạ tự nhiên hương đã bỏ sót những yếu tố hay nhất của thí sinh có thể mang lại chất kích thích cho khán giả. Ekip làm chương trình và một số khán giả trực tiếp gần như show nào cũng thổn thức và đầy nước mắt nhưng không truyền tải được sức hút đến với khán giả, có thể một phần do nhảy nhót không hot bằng hát hò. Vietnam Idol khai thác quá sức vào tiểu sử cá nhân của thí sinh, chính cái tiểu sử có điểm nhấn đã giúp một số thí sinh bay tới tận top 4 chứ không phải khả năng nghệ thuật vượt trội. The voice, chưa có chương trình nào được khen, bị chửi kiểu biểu tình trong ôn hòa như vậy. Ví dụ: Sau scandal Thiều Bảo Trang – Phương Uyên, bà con hết cào nát chuyện riêng của hai người xong thì khi BTC thay PU dư luận xẹp, Thiều Bảo Trang rút lui thì lại đâm ra hụt hẫng vì mất một giọng thí sinh hay. Sau đó khi Trần Lập ra sức bảo vệ Bảo Anh thì dân tình ném gạch anh ko thương tiếc mà khi Trần Lập để BA dừng cuộc chơi thì bà con lại à ơi tiếc rẻ ơ sao lại thế.

Ẩn số khán giả

Khán giả vẫn luôn là ẩn số với các chương trình thực tế kiểu này. Bộ đo thị hiếu âm nhạc thông qua các cuộc thi như The Voice hay Idol là cực kì chính xác. Không kể những ca xuất sắc mà giới chuyên môn ca tụng và cứ hỏi chả hiểu sao khán giả lại cứ lao đầu vào bầu cho cái cô cái cậu thí sinh ABCD hát chả ra gì. Điều này thật khó nói. Chúng ta không bao giờ có khả năng cào bằng cái gọi là mức độ thẩm thấu nghệ thuật, nói đơn giản hơn là gu riêng mỗi người mỗi khác, nhiều cá nhân riêng kéo thành cái gu chung. Và khoảng cách thế hệ cũng khác nhau nốt. Em tui thích tóc nhuộm cắt lởm chởm, tui thấy kiểu đấy cũng ổn còn má tui thì thích tóc dài dài đen bóng. Kiểu như vậy đó. Ngay cả thể loại yêu thích vùng miền nam bắc cũng khác nhau. Thích là thích, vậy thôi. Giống như chuyện sao Hàn xuất hiện là có một số ca teen sẵn sàng bỏ nhà chửi ba má đế sống chết bám theo vậy đó. Bùi Anh Tuấn tự dưng đi thi, có cả nùi fans tung hô vạn tuế xong cũng bỗng dưng có thêm một mớ anti nhào vào chê bai chửi rủa chả biết ở đâu ra mà chính bản thân BAT đúng nghĩa là chẳng làm gì ngoài chuyện leo lên sân khấu hát. Tui cũng là khán giả, tui không thấy BAT hát hay, nhưng cũng chả thấy phiền hà gì khi các em teen thích bạn ấy vì có lẽ gu tui khác, có lẽ tui già gòi. Vậy thôi. Nhưng có thể BAT được lòng teen vì cái bộ dạng lơ ngơ như vừa ngủ dậy của bạn í. Tui không thích nghe Tuấn hát như ngó cái bộ dạng đó thật tình là tui cũng thấy zui, và tui cũng chú ý tới BAT vì rõ ràng cái bộ dạng đó rất đặc trưng, cái đó là tổ đãi, Tuấn sinh ra đúng thời vì các em teen thời nay thích thế. Chứ nếu Tuấn chào sân vào thời teen thế hệ của tui ( hơn chục năm trước) thì chúng dân sẽ chửi thằng này nhìn như thằng dở hơi mà hát với hò gì cho mà xem :))

Tin nhắn 

Hiện tại tui không tin chuyện tin nhắn ảo. Thực tế tin nhắn đổ ào do mua trực tiếp từ đơn vị kinh doanh đầu số gây khuynh đảo kết quả Vietnam Idol mùa đầu tiên là có thật. Nhưng sau đó bên viễn thông đã hạn chế tình trạng này khá nhiều. Chính tui từng đi liên hệ để giúp đứa em trong một cuộc thi và bị từ chối thẳng thừng từ bên kinh doanh đầu số. Việc này bên bộ phận kĩ thuật cho chạy random đầu thuê bao nhắn vào tổng đài rất đơn giản, người mua sẽ trả tiền cái tin đó + tiền công. Chủ thuê bao ko bị trừ tiền. Ví dụ 1 tin bình chọn là 1500 đồng + trả công 2000 đồng/tin cho đơn vị kinh doanh đầu số thì người mua ( thí sinh) sẽ phải trả 3500 đồng/tin. Nhưng khoảng 3 năm nay bên viễn thông đã hạn chế chuyện mua bán kiểu này. Hệ thống quản lí của các đơn vị kinh doanh đầu số bị thắt chặt. Đơn giản là nếu trong vòng 10 phút mà bên server của đơn vị A đẩy đi 15.000 tin nhắn vào Tổng đài thì đơn vị A có nguy cơ bị thu hồi quyền kinh doanh đầu số vĩnh viễn.

Đừng so sánh chuyện tin spam quảng cáo vì nó là tin đi, quản từ cửa đi rải vào thuê bao. Còn tin bình chọn là tin về, quản từ cửa thuê bao tập trung về tổng đài, dạng thức quản lí có thể từ IP ( tui ko rành về viễn thông lắm). Chuyện mua cả ngàn sim để nhắn chỉ có thể khả thi với thời gian bình chọn dài vài tiếng hay vài ngày. Chuyện vài cá nhân thay sim đẩy tin nhắn thủ công trong vòng 15 phút ít ỏi từ chương trình không thể bằng cả nước mấy chục triệu dân cùng nhắn.

Thí sinh

Ở top 4 The Voice VN năm nay thì có lẽ tui sẽ nói thẳng cái tui đánh giá về các bạn. CÁ NHÂN tui nghĩ thế nào thì sẽ viết thế đó. Tui vốn thẳng tính, ko có thói quen khen ngợi tung hô, tui nói thật, không có nhu cầu lấy lòng fans ca sĩ để mở rộng thành fans của riêng tui. Tui theo dõi cuộc thi ở cả sân khấu lẫn TV tại nhà nên tui biết rõ một điều các thí sinh đều thiếu kinh nghiệm xử lí mic ở các nốt cao, luyến láy vì các bạn được lên truyền hình trong thời gian chỉ mới vài tháng, không thể nào biết được điểm yếu các nốt cao của mình như thế nào khi ra loa tivi như các ca sĩ khách mời lão làng cỡ Hiền Thục, Lệ Quyên… Ở sân khấu nghe hay lồng lộng, chả ai hình dung nổi  ngồi nhà nghe gớm tới mức mún ném remote vào màn hình. Ngay cả ngôi sao The voice US Dia Frampton cũng bị mắc lỗi tương tự như thí sinh Việt Nam nên ở Phan Đình Phùng bạn ấy hát nghe hay ho đáng yêu bao nhiều về coi lại tivi thấy má ơi ngôi sao US hát gì mà dở ẹc.

Team Hồ Ngọc Hà: MSBC 26 – Đinh Hương : cô này bên ngoài như con gà chết , vật vờ mà lên sân khấu lột xác hẳn, sống động vô cùng. Đinh Hương là hình mẫu ca sĩ giải trí khá ổn. Hát tốt nhiều thể loại ( ko phải tất cả) giọng khỏe, nhưng mỏng, không dày như đối thủ Xuân Nghi. Đinh Hương phong độ không ổn định lắm, trồi sụt như thời tiết Sài Gòn. Đinh Hương sống động nhưng ko nên cố gồng để điên như Gaga, không nên chọn bài của các nghệ sĩ kì quái thể hiện vì chắc chắn sẽ khó ra.

Team Đàm Vĩnh Hưng: MSBC 21- Lê Phạm Xuân Nghi: em này có giọng ca rất bản năng, trời cho em giọng tốt nhưng đúng kiểu “ngọc bất trác bất thành”, nốt cao của Xuân Nghi ra khỏi cuống họng bị hỗn. Điều này khiến XN lệ thuộc vào hệ thống âm thanh và người chỉnh mic rất nhiều. Ra loa tivi mono là đúng nghĩa tiêu tùng, lần nào ba tui cũng đòi tắt tivi khi Xuân Nghi đang hát trong khi nghe ở ngoài, nhất là ở phòng trà XN hát rất ok. Cho đến lúc XN đủ khả năng để kiểm soát các nốt cao của mình và dày dặn kinh nghiệm với cái thể loại lineout mono của truyền hình VN thì XN nên hạn chế các nốt cao và các đoạn á á, hú yáh đi để đỡ hại màng nhĩ người xem tizi và cho em thêm cơ hội có nhiều tin nhắn.

Team Trần Lập: MSBC 01 – Nguyễn Kiên Giang: thật hài hước là tui không hề có ấn tượng gì về Kiên Giang. Chất giọng tốt bài bản kiểu này trong nhạc viện nhiều lắm.

Team Thu Minh: MSBC 08 – Phạm Thị Hương Tràm: nàng này thì không đa dạng như Đinh Hương nhưng giọng Tràm truyền cảm rõ ràng là tốt nhất trong dàn top 4. Tràm phong độ ổn định, giọng không quá mỏng, vừa đủ dày và giao diện gương mặt dễ gây thiện cảm với khán giả. Thêm nữa Thu Minh làm thầy quá giỏi nên sự tiến bộ của Hương Tràm là khá rõ ràng, có định hướng. Ở Hương Tràm khó có sự biến hóa đột phá về phần nhìn, về phong cách sân khấu nhưng là sự lựa chọn đường dài tốt cho phần nghe.

Thật ra có nhiều lời đồn Đinh Hương và Hương Tràm có thể là người thắng The Voice năm nay. Với tui thì ngoài Kiên Giang ra, 3 nàng kia thì ai thắng cũng được vì tới hôm nay rồi thì vấn đề ko nằm ở chuyện thắng thua nữa mà là con đường phía trước các em sẽ bước tới đâu, 3 năm nữa liệu các em có thăng hạng từ nhân tố mới, nhân tố trẻ thành ngôi sao hay không hay nửa đường gãy gánh bỏ cuộc làm nghề khác thì hỏng :p

Chúc mọi người cúi tuần zui zẻ ^_^

Chào thân ái và đoàn kết !

4 thoughts on “Linh tinh tản mạn về The Voice

Leave a Reply