4 loại mì được yêu thích ở xứ Phù Tang

Ngoài sushi, tempura thì mì Nhật là một trong những món phải thử khi đến thăm xứ sở mặt trời mọc. Và mì Nhật không chỉ có mỗi ramen. Ramen với udon chỉ là hai đại diện bình dân nổi trội nhất gắn liền với lịch sử Nhật Bản được yêu thích khắp thế giới mà thôi. Có ít nhất 4 loại mì mà thực khách không thể bỏ qua khi nhắc đến ẩm thực Nhật Bản.

Người ta cho rằng sợi mì Nhật bắt nguồn từ Trung Quốc. Khoảng giữa thời Nara và Heian (thế kỷ 7-9) có một loại thức ăn tên gọi là Karagashi được xem là nguồn gốc của mì Nhật Bản. Loại thức ăn này được du nhập đến Nhật từ Trung Quốc. Nó được làm từ bột mì, nước và muối đem chiên hoặc luộc. Lúc đầu là dạng bánh tròn nhưng sau này người ta cắt nhỏ ra cho dễ ăn. Sau đó người ta kéo sợi biến tấu thành các loại mì ngày nay.

Ở Nhật, mì thì phải húp xì xụp mới ngon. Mọi người ở mọi tầng lớp từ dân lao động, công sở đến chính trị gia khi ăn mì đều tạo ra tiếng húp mì. Ở nơi khác đôi khi điều này là biểu hiện kém lịch sự nhưng với người Nhật ăn mì phải phát ra tiếng mới là nét đặc trưng khi ăn mì Nhật. Người ta cho rằng sợi mì phổ biến rộng trong hoàn cảnh khắc nghiệt ở nước Nhật. Người dân lúc bấy giờ ăn uống để no là chính nên khi ăn nhanh làm phát ra tiếng ồn. Cái không khí ngồi chen chúc trong một quán nhỏ, các loại âm thanh hỗn tạp trong quán mì cùng với tiếng húp mì sột soạt xóa tan khoảng cách giai cấp xã hội.

Mì Udon

Tương truyền mì udon bắt nguồn từ Trung Quốc, du nhập vào Nhật Bản từ thời đại Nara với tên Konton. Khi đó, konton ban đầu có hình viên tròn được làm từ bột mì, nhân đậu. Nếu cho konton vào nước súp nóng, chúng ta có món Onton – dần được biến âm thành Unton, và sau cùng là Udon. Udon từng được coi là món ăn cao cấp vào thời Muromachi nên ít người có cơ hội thưởng thức. Mãi đến thời kỳ Edo, món ăn này mới trở nên phổ biến. Súp mì udon nấu từ nước hầm và nước tương ra đời vào thời kỳ Genroku. Trước đó, udon chủ yếu được dùng với tương đậu lên men miso. Cách thưởng thức sợi mì udon với những món ăn khác đi kèm như tôm chiên, thịt, trứng, chả cá… được phát triển trong khoảng thời Edo. Từ đó đến nay, udon có thêm nhiều biến tấu phong phú từ nước dùng đến món ăn kèm.

Mì Somen

Mì somen có sợi mì nhỏ hơn mì udon. Mì somen thường được dùng làm mì lạnh, được người Nhật ưa chuộng vào mùa hè. Sợi mì được ướp lạnh, ăn cùng với nước tương tsuyu. Tsuyu là một loại nước chấm làm từ katsuobushi (một loại cá bào khô). Mì somen ngày xưa cần phải hơn 30 lần kéo giãn bột thành sợi trong 36 giờ đồng hồ để có được kích cỡ và kết cấu tiêu chuẩn. Sau đó, mì còn phải giữ trong kho 10- 20 tháng sau đó mới được mang ra ăn. Đây là một loại mì có truyền thống lâu đời. Việc sản xuất mì Somen được xem là một nghệ thuật ở Nhật và được bảo tồn. Có những xưởng làm mì lâu đời đến vài trăm năm tuổi.

Mì Soba

Mì Soba được xem là biểu tượng cho sự may mắn của người Nhật. Sợi mì soba dài và mềm được làm bằng bột kiều mạch và bột mì cắt thành từng sợi nhỏ. Mì soba chứa nhiều chất xơ, nên người Nhật cho rằng dùng mì soba thay thế cơm có thể giúp giảm cân.

Mì soba  hình thành từ thời Jomon là vào khoảng thế kỷ 16 đến 17. Nhưng đến thời Kamakura, mì soba mới được phổ biến rộng rãi. Đặc biệt nhất là thời Edo, khi ăn mì soba, người ta chỉ chấm một chút ở phần đầu của mì với nước sốt, khi ăn thì không nhai mà nuốt hẳn nguyên sợi mì. Cách này được coi như là cách thưởng thức tao nhã chuẩn mực thời kỳ đó. Mì Soba có nhiều ý nghĩa trong các sự kiện của người Nhật như là mì Hikkoshisoba, mì chuyển nhà, người mới chuyến đến thường mang tặng mì soba hàng xóm để giao lưu kết bạn. Hay mì Nenkoshisoba dùng trong ngày đầu năm mới với mong ước trường thọ.

Mì Ramen

Người Nhật Bản đầu tiên làm mì ramen được cho là Tokugawa Mitsukuni (1628-1701), vị chúa công của vùng Mito (nay là quận Ibaraki). Tương truyền có một Khổng gia bị đày từ nhà Minh tên là Zhu Zhiyu (1600-1682) đã truyền dạy cho Tokugawa các món mì của người Trung Quốc và Tokugawa đã biến nó thành ramen của Nhật Bản ngày nay. Tuy nhiên lúc đầu nó không phổ biến mãi đến thời Minh Trị (1868-1912), món mì này mới được người Nhật ưa chuộng và phổ biến rộng. Ở thời kỳ sau thế chiến thứ hai, khi thức ăn khan hiếm, ramen được xem như một món ăn ngon rẻ và nhờ vậy nó đã sớm phát triển thành món ăn đặc trưng của người Nhật dến tận hôm nay.

Ramen còn có một loại ăn khô, chén nước súp để riêng. Khi ăn ăn thực khách sẽ gắp mì chấm vào chén súp ăn cùng các loại thức ăn kèm. Sợi mì to bản và dai hơn được gọi là Tsukemen.

Bài đã đăng : https://www.nguoitieudung.com.vn/4-loai-mi-duoc-yeu-thich-o-xu-phu-tang-d71253.html?fbclid=IwAR3inDk3oX8ANYTdIhctAvvBiLoVSpnxaaxjdZ1Q411QyPmWNmMGo5KKMCE

Leave a Reply